Ý nghĩa cụm từ "Đầu trộm đuôi cướp"

Từ điển Tiếng Việt "đầu trộm đuôi cướp" là gì?. Nói về những kẻ chuyên trộm cắp, lừa gạt, dân gian có câu “đầu trộm đuôi cướp”.

Thế nhưng tại sao là “đầu trộm” và “đuôi cướp”? Nếu nói ngược lại là “đầu cướp đuôi trộm” thì có được không?
Tìm trong kho tàng thành ngữ tục ngữ, ta cũng thấy nhiều câu có cấu trúc “đầu… đuôi…” như “đầu voi đuôi chuột”, “đầu xuôi đuôi lọt”… nhưng mỗi câu mang một nghĩa khác nhau và không có một lối diễn đạt thống nhất. Vì vậy, ta khó có thể suy ra ẩn ý sau câu “đầu trộm đuôi cướp” nếu đi theo hướng này.
Thực tế, Thành ngữ tục ngữ lược giải của Nguyễn Trần Trụ đã giảng về “đầu trộm đuôi cướp” như sau: “Đầu trộm: đứng đầu bọn trộm, vào nhà đầu tiên, phải có tài. Đuôi cướp: đi cuối cùng khi bạn cướp rút lui, phải có võ nghệ cao cường. Nói những tay trộm cướp cừ khôi”.
Điều này ngẫm ra rất hợp lý. Trộm phải lẻn vào một khu vực mình không làm chủ để lấy đồ, ban đầu cần thật khéo léo để dò xét tình hình, nhưng khi rút lui thì thường trong yên ắng, chẳng có gì phải lo (trừ khi không may để bị phát hiện). Ngược lại, cướp thường khởi sự bằng cách dùng số đông uy hiếp kẻ thế cô, nên chỉ đáng lo khi tháo chạy, là lúc nạn nhân đã la làng và thường có nhiều người đến giúp. Như thế, kẻ đi đầu bọn trộm và kẻ chạy cuối bọn cướp phải là những người giỏi, giàu kinh nghiệm.
Tóm lại, “đầu trộm đuôi cướp” vốn chỉ những tên trộm cướp giỏi, nhiều kinh nghiệm, về sau mới mở rộng ra chỉ trộm cướp nói chung.



XEM CÁC TIN LIÊN QUAN MỚI NHẤT
"Hàm súc" và "hàm xúc", đâu là từ chính xác?


XEM CÁC TIN LIÊN QUAN CŨ HƠN
"Hàm súc" và "hàm xúc", đâu là từ chính xác?
Vì sao gọi quần đùi là quần xà lỏn?
“Dày dạn” và “Dày dặn” đâu là từ chính xác
Vì sao gọi là "Lơ xe". bắt nguồn và Ý nghĩa từ?
Phân biệt các động từ liên quan đến ăn uống
“Sởi lởi” và “xởi lởi”, đâu mới là chính xác?